Bối cảnh Trận_Dubno_-_Lutsk_-_Brody

Ngày 22 tháng 6, sau khi chọc thủng phòng tuyến của quân đội Liên Xô tại chỗ tiếp giáp giữa khu vực phòng thủ của tập đoàn quân 5 (do tướng Mikhail Ivanovich Popatov chỉ huy) và tập đoàn quân 6 (do tướng Ivan Nikolaievich Muzychenko chỉ huy); tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) của tướng Paul Ludwig Ewald von Kleist tiếp tục phát triển tấn công đến tuyến Radekhov và Berestechko. Đến ngày 24 tháng 6, xe tăng Đức đã tiến đến bờ sông Stir. Quân đội Liên Xô phòng thủ khu vực sông Stir gồm sư đoàn cơ giới 131 thuộc quân đoàn cơ giới 9 do tướng Konstantin Rokossovsky chỉ huy. Rạng sáng ngày 24 tháng 6, trung đoàn xe tăng 20 thuộc sư đoàn cơ giới 24 của đại tá Fradkov Katukov bất ngờ bị sư đoàn xe tăng 13 Đức tập kích. Quân Đức bắt được 300 tù binh, phá hủy 33 xe tăng BT.

Trong một mệnh lệnh (Chỉ thị số 3) được coi là không thể thực hiện được vào cuối ngày 22 tháng 6, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô yêu cầu Phương diện quân Tây Nam: "Trong các ngày 23 và 24 tháng 6 phải tổ chức các đòn đột kích đồng tâm vào hướng chung đến Lublin bao vây và tiêu diệt cánh quân Đức đã đột nhập vào khu vực Vladimir - Volynsky - Krystynopol, đến hết ngày 24 tháng 6 phải làm chủ vùng Lublin".[3] Mặc dù Tổng tham mưu trưởng G. K. Zhukov (lúc đó đang là đại diện của Đại bản doanh tại Phương diện quân Tây Nam) không đồng ý phản công vì chưa nắm được tình hình địch nhưng Phó tổng tham mưu trưởng N. F. Vatutin cho ông biết mọi việc đã được I. V. Stalin quyết định rồi.[4] Tướng M. A. Purkaev, tham mưu trưởng Phương diện quân Tây Nam cho rằng lấy 5 sư đoàn bộ binh 45, 62, 87, 124, 135 (mỗi sư đoàn chỉ có hai trung đoàn) và quân đoàn cơ giới 22 (mới chỉ có 2 sư đoàn được tập kết) để tấn công 5 sư đoàn xe tăng và 5 sư đoàn bộ binh Đức tại khu vực này là điều không thể và cần phải tiếp tục phòng ngự. Tuy nhiên, tư lệnh Phương diện quân, tướng M. P. Kirponos vẫn phải ngả theo ý kiến của Ủy viên hội đồng quân sự Phương diện quân, chính ủy quân đoàn N. N. Vashughin khi ông này kiên quyết yêu cầu phản công.[5]

Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) của Paul Kleist nhận được lệnh chiếm giữ các bến vượt sông Nam Bug và tiến về Rovno, Korosten và hướng mục tiêu chiến lược là Kiev. Hai quân đoàn xe tăng của tập đoàn quân này đã được triển khai ở khoảng giữa Lvov (Lviv) và Rovno nhằm mục đích cắt đứt tuyến đường sắt Lvov - Kiev. Đối diện với quân Đức ở tuyến đường sắt Lvov-Kiev là Tập đoàn quân 6 (Liên Xô) thuộc Phương diện quân Tây Nam và các đơn vị quân dự bị.